PFLAG - chốn bình yên cho những đứa con “khác người”
Họ cũng là những người cha, người mẹ như bao cha mẹ khác, chỉ duy nhất là con của họ không giống những người con bình thường, vì đó là những người con đồng tính, song tính, chuyển giới. PFLAG là tên viết tắt của “Parents, Families, and Friends of Lesbians and Gays” nghĩa là “Cha mẹ, người thân và bạn bè của người đồng tính”.
Tất cả đều là “bố”, “mẹ”
Bố Thắng, mẹ Ly, mẹ Nguyệt… không còn là cái tên xa lạ với cộng đồng LGBT (đồng tính, song tính, chuyển giới). Mẹ Nguyệt – cô Cao Thị Minh Nguyệt là một người phụ nữ vô cùng đặc biệt. Cô có 3 người con đều là LGBT (một con gái là chuyển giới, một con trai đồng tính nam và một con dâu là song tính). Điều ngạc nhiên hơn cả, đó là cô chấp nhận con mình là LGBT như một lẽ thông thường, sẵn sàng đi hỏi vợ cho... con gái.
Nhận thấy cô con gái của mình ngay từ nhỏ đã mạnh mẽ, chỉ thích chơi những trò con trai, không thích mặc váy… cho đến khi cô bé lên cấp ba, cô Nguyệt bắt đầu thấy con mình khác hoàn toàn với giới tính sinh học lúc sinh ra. Bức bối trong cơ thể, khó chịu phải mặc chiếc áo dài hay váy, cô bé có phản ứng tiêu cực với bạn bè, thầy cô đến nỗi cô Nguyệt phải thường xuyên nhận những lời trách, phàn nàn từ phía nhà trường về việc “uốn nắn” con đến mức cô phải liên tục chuyển trường cho con.
Thời điểm đó, cô chỉ biết con mình “đặc biệt” chứ chưa có thông tin, kiến thức về LGBT và chấp nhận cái “đặc biệt” đó của con mình. Nỗi đau chồng nỗi đau khi con học xong trường sư phạm, khi đi xin việc, người ta nói con cô “không đủ đạo đức, tác phong đứng trên bục giảng”. Sau đó là những kỳ thị, thậm chí chửi bới từ phía gia đình những người con gái khác khi con gái cô bắt đầu biết yêu. Con cô rơi vào khủng hoảng trầm trọng sau những tổn thương đó. Đến lần thứ 3, khi biết con mình lại yêu, cô quyết định đến “hỏi” nhà gái trước và vỡ òa hạnh phúc khi được gia đình cô gái đồng ý.
Sau cô con gái là cậu con trai út cũng có những biểu hiện khác thường, luôn yếu đuối, thích chơi búp bê, có thời điểm như đứa trẻ tự kỷ vì bị bạn bè kỳ thị, không ai chơi cùng. Cô lo lắng dõi theo từng bước chân của con, cho đến khi con mở lòng chia sẻ, cô mới nói: “Dù con như thế nào cũng là do má đẻ ra chứ không phải lỗi do con”.
Còn bố Thắng – chú Nguyễn Quý Thắng không tránh khỏi hụt hẫng khi phát hiện ra người con trai út của mình là đồng tính. Sau những lần nói chuyện với con, chú hiểu rằng nếu không giang tay đón nhận, chú sẽ mất con.
Mẹ Ly – cô Đinh Yến Ly cũng đứng lên từ sau những vật vã khi biết con trai mình là gay. Chính cô cũng không biết tại sao có thể vượt qua được những năm tháng khắc nghiệt, không thể đối mặt với sự thật đứa con trai duy nhất là đồng tính, cho đến khi chính con cô là cầu nối dẫn cô đến những buổi hội thảo, tập huấn của Trung tâm ICS về LGBT. Và bây giờ, cô Ly đang là Chủ tịch hội PFLAG Việt Nam.
Chỗ dựa vững chắc cho những người con khác biệt
Đối với người thuộc cộng đồng LGBT, thuyết phục gia đình chấp nhận xu hướng tính dục của bản thân đã là chuyện khó, việc được phụ huynh đứng về một phía cùng đấu tranh với mình là nằm ngoài sức tưởng tượng.
Đó là lý do vì sao từ khi ra đời ngày 11.4.2011 đến nay, hội phụ huynh và người thân của LGBT Việt Nam (PFLAG) đã tạo được một sự đổi mới trong nhận thức cũng như sự chung tay của người thân, làm chỗ dựa vững chắc cho cộng đồng LGBT gần như là khắp ba miền.
Cô Cao Thị Minh Nguyệt chia sẻ: “Các con tôi sống rất khổ sở với những lời chọc ghẹo và phân biệt. Chúng sống thui thủi không giao lưu, ít bạn bè. Lúc đó, tôi đau lòng lắm. Tôi nghĩ, tôi phải làm gì để bảo vệ con mình vì chúng không đáng để nhận cuộc sống mà xã hội có nhiều định kiến và không công bằng như thế...”.
Với hành trình “Hiểu về con”, từ năm 2014 đến nay, PFLAG đã đi hơn 13 tỉnh, thành để giải thích cho các phụ huynh có con là LGBT các vấn đề về giới, hôn nhân, cũng như cách nhìn nhận con em mình.
Những chuyến đi “lan toả yêu thương” thực sự không dễ dàng khi phải đối mặt với những người đã hằn sâu hình ảnh kỳ thị người đồng tính. Có những nơi hội trường trống không, chỉ có tiếng khóc nghẹn của các em khi người thân không chịu đến, nhưng những người cha, người mẹ này vẫn không nản. Như bố Tấn, một thành viên PFLAG nói trong chuyến “Hiểu về con” tại Quy Nhơn, tâm sự: “Có thể bố mẹ các con đến giờ chỉ mới là chấp nhận, nhưng hãy mời họ đến để hiểu và thừa nhận nó như một phần thân thuộc của các con”.